Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Thánh lễ Tạ Ơn và Cung Hiến nhà thờ giáo buôn Tầm Ngân


Lê Văn Hùng7/7/2011

QUẢNG THUẬN - Sáng ngày 06-7-2011, tôi và anh Nguyễn Ngọc Hiến đại diện anh em Cựu chủng sinh Huế tại Quảng Thuận tham dự Thánh lễ Tạ Ơn và Cung Hiến nhà thờ giáo buôn Tầm Ngân, cách Quảng Thuận khoảng 20 km. Dù đã đến đây nhiều lần trong quá trình xây dựng, nhưng lần này một thoáng ngạc nhiên khi nhìn ngôi nhà thờ đã hoàn chỉnh. Ngôi nhà thờ lộng lẫy phô sắc giữa màu trắng của cát và màu xanh của núi rừng. Ngôi nhà thờ bề ngoài mang đúng bản sắc của người dân tộc thiểu số vốn yêu thích nhiều màu sắc đan xen nhau, nhiều họa tiết; mặt tiền ngôi nhà thờ uốn tròn và mái dốc như khát khao vươn tới trời cao…

Xem hình ảnh

Tầm Ngân nguyên là tên riêng của một con suối tại địa phương, phiên âm từ tiếng dân tộc K’hor là “Tẵm Ngơn”, nghĩa Hán Nôm là “Tìm Vàng” vì tại đây có ngọn núi Yang (theo phát âm của người Kinh là núi Vàng); thực ra Yang trong tiếng dân tộc có nghĩa là “Trời”.

Vào thời điểm năm 1957, Tầm Ngân là một vùng rừng núi thâm u bạt ngàn, thuộc xã É Lâm Thượng, quận Sông Pha, nằm cách thị xã Phan Rang 50km về hướng Tây Bắc, là nơi chung sống của từng cụm người dân tộc thiểu số: 70% là sắc tộc K’hor, còn lại là Raglai, Chu Ru, Chăm….

Ngày 5-7/3/1963, 219 anh chị em dân tộc thiểu số tại đây đã được đón nhận các bí tích khai tâm tại nhà thờ Phước Thiện, hạt Ninh Thuận, trong một thánh lễ do Đức Giám mục Marcel Piquet Lợi chủ lễ và 12 linh mục đồng tế.

Vào khoảng tháng 5-1963, Cố Nhơn (Joseph Viot, MEP) được sai đến ở cùng anh chị em dân tộc tại buôn làng Tầm Ngân trong một cái chòi tranh. Ngài đã dựng lên một ngôi nhà thờ thuần chất dân tộc bằng các vật liệu của núi rừng. Ngôi nhà thờ đầu tiên này nằm cạnh dòng sông Krong Fa (Sông Pha).

Giáo buôn Tầm Ngân hiện nay có khoảng gần 1400 giáo dân người dân tộc thiểu số, là họ nhánh của giáo xứ Sông Pha, thuộc giáo hạt Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang, do linh mục Anrê Lê Văn Hải coi sóc từ năm 2002 đến nay.

Ngày 28-3-2008, lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức Giám mục Giuse Võ Đức Minh chủ sự. Và hôm nay ngày 06-7-2011 Lễ Tạ Ơn và Cung hiến, cũng là ngày kỷ niệm 16 năm linh mục của cha Lê Văn Hải.

Quá trình xây dựng ngôi nhà thờ được nhiều người biết đến với hình ảnh người dân và cả các em bé gùi gạch qua sông trên một chiếc cầu treo. Hầu hết mọi vật liệu xây dựng đều được vận chuyển bằng sức người đến nơi thi công qua con đường độc nhất là cây cầu treo với bề ngang chỉ khoảng hơn 1 mét bắc ngang sông, bên dưới nước cuồn cuộn chảy. Nhớ lại ngày 13-7-1992, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đến thăm giáo buôn, không còn cách nào khác giáo dân mời ngài lên một chiếc xe kéo thô sơ do một con trâu và một con bò kéo để qua sông. Ra đến giữa sông, nước chảy siết, suýt nữa cuốn trôi luôn xe của Đức Cha.

Một chiếc gùi con con,
Một đôi mắt tròn tròn,
Một đôi chân rảo bước,
Ồ! Chào nhé! Bé con.

Gùi theo em lên nương,
Bước lon ton trên đường,
Đong đưa dăm que củi,
Em gùi cả tình thương.

Xi măng và sắt thép,
Lần lượt qua cầu treo,
Chân trần không cần dép,
Mẹ đi… Em bước theo.

Qua cầu treo đung đưa,
Gạch trên lưng cười đùa,
Gùi vui xây nhà Chúa,
Mấy chuyến, còng lưng chưa ?

Gạch đá gùi trên lưng,
Chân mỏi bước, không dừng,
Theo mẹ xây nhà Chúa,
Công sức góp việc chung.

Xuân mới lòng náo nức,
Tầm Ngân cùng chung sức,
Góp công xây nhà Chúa,
Tương lại sẽ sáng rực !!!

Cảm tạ ơn Chúa Trời,
Tri ân nghĩa muôn người,
Xuân tới vui trọn vẹn,
Tầm Ngân rộn tiếng cười… (Nguyễn Thị Tầm)

Niên trưởng Hoàng Xuân Tịnh cũng sáng tác bài thơ cảm tác từ hình ảnh gùi gạch:

Cầu treo một chiếc, ấy cheo leo
Dẫn đầu ai đó? Có ai theo?
Chàng trai một bóng xem cứng cát
Nhi nữ mấy hình thấy mỏng meo
Cổ chàng đeo gùi lòi viên gạch,
Lưng nàng mang giỏ dấu chi hèo?
Thì ra người đó là Cha Hải
Dẫn đám con chiên vượt cầu treo.

Cầu treo lắc lẻo bắc Sông Pha
Gùi mang sơn nữ cúi vượt qua
Xanh xanh núi trải vài bức họa
Xám xám thôn trang mấy nóc nhà
Cảnh nớ như ni sanh thấm cảm
Cái răng chi rứa gợi thiết tha!
Tớ đoán con chiên đương tải gạch
Giúp Cha coi xứ hẳn xây nhà.

Ô kìa tớ đoán thật đúng nhe!
Con chiên chuyển gạch từ trên xe.
Cầu nhỏ như ri không trọng tải
Xe to rứa đó chẳng dám de,
Đành ở bên ni xe chờ đợi
Chịu đi bên nớ dân qua nè!
Cho hay cảnh ấy tình đoàn kết
Nhiều tay nối lại kết thành bè.

Eo ôi! Đúng thật cảnh xây nhà
Nhà nầy cho Chúa chẳng có ngoa.
Xa kia dãi núi mờ mờ đợi
Gần đây hàng cột sững sững chờ,
Nhấp nhô sỏi đá un gò đống,
Hàng lối phu gùi rán xông pha.
Giấc mơ thánh đường sắp thành tựu
Câu kinh tiếng nhạc hẳn không xa. (Hoàng Xuân Tịnh)

Anh Nguyễn Cả cũng sáng tác ngay một bài "Gửi gạch qua sông" từ những hình ảnh thật cảm động trên.

Em Sông Pha gùi gạch qua sông
Ôi đẹp thay những nụ cười hồng
Theo cha xứ: người em thương mến
Dù khó khăn, không chút sờn lòng.

Hình ảnh nào cao quý nhiều hơn
Vai bên vai, đồng hành cha con
Tuyệt vời quá: cuộc đời Linh Mục
Quên thân mình, phục vụ tha nhân.

Dân tộc ơi: yêu dấu quê hương
Bao ước mơ xây dựng thánh đường
Em thơ ngây đến ông bà lão
Ngập niềm vui góp của xung công.

Trong đêm đen Linh Mục là đèn
Giữa lo âu ngài ủi an em
Trên sông sâu gập ghềnh nguy hiểm
Ngài dẫn em vượt thoát êm đềm.

Kinh chiều nay nhớ em Sông Pha
Những tâm hồn chất phác thật thà
Luôn phó thác cậy trông vào Chúa
Vững niềm tin theo bước chân cha. (Nguyễn Cả)

Có lẽ vì những kỷ niệm khó quên đó mà Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng hiện diện trong ngày Lễ Tạ Ơn và Cung Hiến ngôi nhà thờ Tầm Ngân, hòa chung với niềm vui của cộng đoàn giáo dân dân tộc thiểu số nơi đây.

Thánh lễ Tạ Ơn và Cung Hiến được Đức Giám mục Giuse Võ Đức Minh chủ sự vào lúc 9g30, cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa và các linh mục thuộc giáo hạt Ninh Thuận. Sau Thánh lễ là tiệc mừng đơn giản.

Từ đây mỗi sáng tối, nơi chốn âm u của miền sơn cước sẽ vang lên tiếng hát lời kinh ca tụng Chúa. Ước mong và cầu chúc hạt giống Tin Mừng sẽ bám rễ và không ngừng phát triển mạnh mẽ.